Thứ Năm, ngày 21/11/2024 01:24:34 CH

Victorio Casa và nghị lực của cầu thủ bóng đá cụt tay

Victorio Casa và nghị lực của cầu thủ bóng đá cụt tay

Sự nghiệp bóng đá mới chớm nở của hiện tượng bóng đá Victorio Casa tưởng như đã chấm dứt sau một vụ nổ súng khiến anh mất đi một cánh tay. Nhưng Casa không bỏ cuộc. Bởi theo anh “bóng đá đâu phải chơi bằng tay”.

Victorio Casa hiện tượng của Argentina

Vào những năm 1960, người hâm mộ Argentina phát chán vì thứ bóng đá phòng thủ và bạo lực. Vì vậy, sự xuất hiện của những chàng trai San Lorenzo bao gồm Roberto Telch, Fernando Arean, Hector Veira, Narciso Doval và Victorio Casa để tạo thành nhóm “Los Carasucias” mang đến bầu không khí phấn khích tột độ. Họ theo đuổi phong cách tự do, tấn công và đầy sáng tạo.

Trong số đó, cầu thủ chạy cánh trái Casa là một tài năng đặc biệt. Anh có thể làm mọi thứ với trái bóng, từ tâng bóng hơn một tiếng đồng hồ mà không chạm đất đến việc đi bóng qua mọi đối thủ trước khi đưa nó vào lưới. Báo giới Argentina gọi Casa là một hiện tượng, hay pháp sư, nhà ảo thuật. Ở tuổi 22 (1965), tương lai rộng mở trước mắt Casa.

Thế nhưng cuộc đời Casa đã rẽ sang hướng khác, chỉ vì… một cơn mưa.

Victorio Casa và câu chuyện phi thường về một cầu thủ bóng đá cụt tay vì một… trận mưa - Ảnh 1.

Victorio Casa (thấp nhất) bên cạnh những đồng đội thuộc nhóm “Los Carasucias”.

Ngày 11/04/1965, một cơn mưa tầm tã ở Buenos Aires đã phá hỏng ngày khai mạc giải VĐQG Argentina. Vì trận đấu không thể diễn ra như dự kiến, các cầu thủ San Lorenzo được xả trại. Rảnh rỗi, lại mới sắm chiếc xe Valiant 64 màu trắng được mấy hôm, Casa cùng vài người bạn đi chơi.

Sau khi ăn tối, họ vẫn muốn kéo dài một ngày tuyệt vời bằng việc tận hưởng buổi đêm mát trời sau trận mưa. Định mệnh khiến chiếc xe Valiant 64 dừng ngay trước cổng trường Kỹ thuật Quân sự (sau này dưới thời độc tài Videla, nó trở thành nơi giam giữ và tra tấn những người đối lập). Những thanh niên lãng mạn nghĩ rằng địa điểm này thích hợp để nghe nhạc từ chiếc đài cassette mà họ mang theo.

Bỗng nhiên từ cổng trường vang lên tiếng loa yêu cầu tất cả di chuyển khỏi khu vực. Casa cùng đám bạn không để ý tới lời cảnh báo. Họ bước khỏi xe và lập tức một loạt đạn vang lên, nhắm về phía những người trẻ tuổi. Sau đó là tiếng la hét và máu. Casa không cảm nhận được cánh tay phải của mình.

Victorio Casa và câu chuyện phi thường về một cầu thủ bóng đá cụt tay vì một… trận mưa - Ảnh 2.

Casa đi bóng giữa các hậu vệ đối phương với cánh tay bị cụt.

“Tôi không gây nguy hiểm cho ai, tại sao họ lại làm thế?”, Casa hỏi trên đường tới bệnh viện, trên chiếc taxi của một người hâm mộ San Lorenzo. Không ai có thể trả lời anh, ngoài thông báo cánh tay phải đã nát bấy và các bác sỹ buộc lòng phải cắt bỏ. Tệ hơn, họ nói rằng Casa không thể chơi bóng được nữa.

Tinh thần lạc quan và quyết tâm quay lại với trái bóng

Mặc dù phải mất 1 cánh tay, nhưng Casa là một người lạc quan. Anh nói với bác sỹ với ánh mắt kiên định: “Tin tôi đi, tôi sẽ trở lại”. Và khi người đồng đội Telch, tiền vệ sau này được gọi vào ĐT Argentina tham dự World Cup 1974 cùng bạn gái vào thăm, Casa vẫn giữ được nụ cười và tính hài hước. Lúc cô bạn gái của Telch ngồi xuống nhưng giữ một khoảng cách đủ xa, anh nói: “Ngại gì thế? Em không thấy là bây giờ anh không thể… sờ trộm em à?”.

Casa không khi nào khóc lóc hay trách móc cuộc đời, giá như không có trận mưa ấy anh đã không mất đi cánh tay. 25 ngày sau vụ nổ súng, Casa tái xuất trên sân cỏ. Anh thậm chí còn không dùng đến cánh tay giả mà CLB San Lorenzo trang bị, sau đó ghi một bàn thắng vào lưới Banfield. Sau trận đấu, anh nói rằng “đó là bàn thắng đẹp nhất cuộc đời”. Còn về cánh tay giả, Casa ráo hoảnh: “Tôi bán nó rồi”.

Mọi thứ không hề dễ dàng

Dĩ nhiên không còn cánh tay, mọi thứ không bao giờ dễ dàng với Casa. Ví dụ như việc tưởng chừng rất đơn giản là buộc dây giày; anh cũng không thể nếu thiếu sự trợ giúp từ các đồng đội. Và Casa cũng trở thành đối tượng bị trêu chọc; thóa mạ bởi cầu thủ cùng người hâm mộ phe đối lập.

Nhưng điều tệ nhất là Casa gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng sau khi mất đi một cánh tay. Anh không thể tái hiện phong độ đỉnh cao trước đó. Điều gì đến cũng phải đến, Casa rời San Lorenzo năm 1966; chưa đầy 1 năm sau sự kiện đẫm máu ở cổng trường Kỹ thuật Quân sự.

Trong nỗ lực kéo dài sự nghiệp, Casa tới Mỹ khoác áo Washington Whips và nhận mức lương cao nhất trong giới cầu thủ Mỹ. Sau một vài năm không thực sự thành công; Casa giải nghệ năm 1971 và quản lý một nhà hàng ở Mar del Plata. Thỉnh thoảng anh vẫn khiến các thực khách thích thú với màn tâng một quả cam bằng đôi chân từng khiến cả nước Argentina say mê.

Nguồn: Báo Thanh Niên

Tác giả: Hồng Phúc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *